Du học Mỹ có giảm khi Ông Trump đắc cử tổng thống?

Trước hiện tượng ông Trump đắc cử, nhiều câu hỏi đặt ra liệu rằng, du học Mỹ có bị giảm sút hay không? Khi mà trước đó trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump lượng du học sinh Mỹ đã chạm mức thấp nhất trong năm học 2020-2021.

 

Học sinh Việt Nam trao đổi với tư vấn viên các trường ĐH về du học Mỹ trong một sự kiện hồi tháng 9
Học sinh Việt Nam trao đổi với tư vấn viên các trường ĐH về du học Mỹ trong một sự kiện hồi tháng 9

Nhiều bên bày tỏ lo ngại lượng sinh viên du học Mỹ giảm

Ngay sau khi biết ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai, nhiều chuyên trang giáo dục quốc tế đồng loạt đưa tin về những thay đổi sắp tới có thể xảy ra với sinh viên du học Mỹ trên các chính sách ông từng tuyên bố trong lúc tranh cử. “Các trường ĐH Mỹ đang chuẩn bị cho 4 năm đầy thử thách phía trước sau khi Donald Trump thắng cử và quay lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử lịch sử”, tờ Times Higher Education viết.

Sự lo ngại này đến từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, đó là do số lượng sinh viên quốc tế du học Mỹ giảm mạnh vào nhiệm kỳ đầu của ông Trump và chạm mức thấp nhất trong năm học 2020-2021. Theo tờ Higher Ed Dive, một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong 3 năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump, số sinh viên quốc tế vào học ở các trường ĐH Mỹ giảm khoảng 12% so với những quốc gia cạnh tranh.

“Ông Trump từng quyết tâm đảm bảo rằng sinh viên Trung Quốc và Hồi giáo sẽ không được chào đón ở Mỹ. Và thực tế, chính quyền của ông đã cấm sinh viên từ 6 quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo đến Mỹ vào năm 2017”, tờ ICEF Monitor cho hay. Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các chính sách tương tự.

Đến khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, tình hình nêu trên mới được cải thiện và số lượng sinh viên quốc tế đến Mỹ gần đạt mức kỷ lục vào năm học 2022-2023. Nghiên cứu gần đây của tổ chức giáo dục IDP (Úc) cũng cho thấy du học Mỹ đã trở thành điểm đến được nhiều du học sinh yêu thích nhất sau khi Úc, Canada lẫn Anh điều chỉnh chính sách. Đó là lý do nhiều trường ĐH Mỹ không muốn viễn cảnh cũ trở lại.

Số sinh viên du học Mỹ trong 10 năm qua, từ năm học 2014-2015 đến kỳ thu năm 2023
Số sinh viên du học Mỹ trong 10 năm qua, từ năm học 2014-2015 đến kỳ thu năm 2023

Thứ hai là vấn đề chi phí ĐH. Bởi, chính quyền ông Trump có thể sẽ thay đổi nhiều quy định về giáo dục ĐH, trong đó có các quy định liên quan đến việc kiểm định trường và đe dọa cắt đứt quyền tiếp cận hỗ trợ tài chính sinh viên với những đơn vị hoạt động kém hiệu quả. Vị tổng thống vừa đắc cử còn đề xuất kế hoạch dừng miễn thuế cho các trường ĐH, CĐ tư thục và đánh thuế quỹ hiến tặng của các trường.

“Các chương trình đào tạo nhà khoa học, bác sĩ làm việc ở các nước đang phát triển có thể cũng bị cắt giảm, từ đó làm giảm khả năng ngoại giao khoa học của Mỹ. Ông Trump cũng có thể tự quyết định cắt giảm tài trợ cho các nghiên cứu, ví dụ như nghiên cứu về biến đổi khí hậu, và các nhà khoa học không đồng ý với chính sách của mình”, GS John Aubrey Douglass (ĐH California ở Berkeley) viết trên tờ University World News.

Cũng theo các chuyên gia, việc ông Trump nắm quyền trở lại có thể sẽ làm tăng sự giám sát với các nhà khoa học gốc Trung và mối quan hệ nghiên cứu với Trung Quốc. Vị lãnh đạo cũng nói sẽ đóng cửa Bộ Giáo dục liên bang, chuyển nhiệm vụ của bộ này về chính quyền các tiểu bang, dù bộ này đảm nhận nhiều công việc quan trọng như giám sát việc hỗ trợ tài chính, thực thi các quy định và điều tra khiếu nại của người dân.

Tất cả những điều trên, ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến các sinh viên và nghiên cứu sinh quốc tế du học Mỹ trong thời gian tới.

Cơ hội nào cho sinh viên du học Mỹ?

Bên cạnh các lo ngại, nhiều tuyên bố của ông Trump cũng nhận được sự hưởng ứng. Ví dụ, ông từng đề xuất mọi sinh viên nước ngoài tốt nghiệp các cơ sở giáo dục ĐH 2 và 4 năm nên được tự động cấp thẻ thường trú nhân để được ở lại Mỹ. Chiến dịch tranh cử của ông sau đó cho biết, nếu đắc cử trở lại, ông sẽ cấp thẻ xanh này sau khi thực hiện “quá trình xét duyệt nghiêm ngặt nhất trong lịch sử Mỹ”.

Hằng trăm phụ huynh, học sinh theo dõi phiên chia sẻ về visa du học Mỹ trong một sự kiện do Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM tổ chức hồi tháng 10
Hằng trăm phụ huynh, học sinh theo dõi phiên chia sẻ về visa du học Mỹ trong một sự kiện do Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM tổ chức hồi tháng 10

Bình luận trên LinkedIn, bà Manisha Zaveri, Giám đốc điều hành Career Mosaic, thông tin thêm rằng ở nhiệm kỳ tổng thống đầu, ông Trump từng đề xuất thay đổi chương trình thực tập không bắt buộc (OPT) và visa H-1B mà sau đó đã bị chỉ trích mạnh mẽ. “Ngành giáo dục quốc tế đang thận trọng và nếu có bất kỳ hạn chế nào với H-1B hay OPT trong thời gian tới, dòng sinh viên có thể chuyển sang các quốc gia khác”, bà Zaveri lưu ý.

Nhìn chung, du học Mỹ vẫn sẽ là một trong những điểm đến hàng đầu dù có thay đổi gì đi chăng nữa, theo nhận định của tờ The PIE News. Bởi, một số kết quả khảo sát du học sinh trước khi cuộc bầu cử Mỹ diễn ra chỉ ra rằng, nhiều người dù quan tâm đến hai ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng song phần lớn khẳng định kết quả bầu cử không ảnh hưởng đến việc chọn đến Mỹ của họ.

Trước đó, trao đổi với Thanh Niên tại triển lãm giáo dục ĐH Mỹ hồi đầu tháng 10, ông Justin T. Walls, Trưởng phòng Văn hóa – thông tin (Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM), khẳng định: “Chúng tôi rất mong người Việt lựa chọn du học Mỹ. Đó là lý do các chính sách visa du học ở Việt Nam vẫn giữ ổn định và nhất quán. Điều này đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam”.

Theo thống kê từ Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE), năm 2023 ghi nhận có 31.310 người Việt du học Mỹ, xếp thứ 6 về số du học sinh. Đây cũng là lần đầu số du học sinh Việt tại Mỹ cán mốc hơn 30.000 người sau 2 năm dưới mức 30.000. Tuy nhiên, nếu xét riêng số du học sinh ở các trường phổ thông, Việt Nam đông thứ 5 với 3.187 người, đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Mexico, Tây Ban Nha.

Tham khảo thêm các thông tin về di trú vá du học tại: https://ditruglobal.com/