Vừa qua, một nữ sinh Cần Thơ đã nhận được học bổng toàn phần du học Anh với đề tài nghiên cứu về căn bệnh Ung thư. Hãy cùng làm quen với cô bạn giỏi gian này nhé.
“Thợ săn” học bổng, giải thưởng
Lâm Ngọc Ngân, sinh viên ngành công nghệ sinh học chương trình tiên tiến Trường ĐH Cần Thơ, mới đây vượt qua hàng trăm ứng viên ở 11 quốc gia để giành học bổng STEM du học Anh dành cho nữ giới từ chương trình ASEAN-UK SAGE. Đồng nghĩa, cô gái 23 tuổi sẽ học thạc sĩ tại ĐH Warwick, ngôi trường đứng thứ 9 theo bảng xếp hạng ĐH tốt nhất nước Anh của tờ The Guardian, mà không cần lo nghĩ gì về chi phí trong thời gian tới.
“Tôi nhận email thông báo lúc 19 giờ khi đang ở phòng thí nghiệm cùng bạn bè. Đọc tin mình đậu học bổng, tôi ‘đứng hình’ rồi khóc quá trời. Nguyên cả đêm tôi cũng mất ngủ vì vui sướng và hạnh phúc”, nữ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc với điểm trung bình 3,9/4 bồi hồi nhớ lại. Đáng chú ý, vì chương trình đào tạo dài 4,5 năm nên đến cuối tháng 9 cô mới làm lễ tốt nghiệp chính thức.
Ngân kể, cô xuất thân từ gia đình lao động, cha mẹ đều không thể học đến lớp 12 nhưng luôn đầu tư hết mực vào việc học của hai chị em. Biết ơn điều đó và không muốn phụ lòng cha mẹ, Ngân luôn muốn học để phát triển bản thân, tiến tới “tự làm chủ mình” và xa hơn nữa là làm chỗ dựa cho gia đình khi mẹ cô vừa bị đột quỵ gần đây. “Tôi cũng hy vọng sau khi học có thể đóng góp lại cho xã hội để trả ơn đời và những nhà hảo tâm đã giúp đỡ mình”, cô nói.
Tinh thần trên giúp nữ sinh liên tục chinh phục nhiều giải thưởng, học bổng từ phổ thông đến ĐH. Như khi học lớp chuyên văn Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (Cần Thơ), trong 3 năm Ngân đều nhận học bổng Sacombank – Ươm mầm cho những ước mơ, học bổng học sinh xuất sắc từ trường và là học sinh giỏi toàn diện niên khóa 2016-2019. Ngoài ra, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố môn ngữ văn các năm 2018 và 2019, cô lần lượt đạt giải ba và giải nhì.
Lên ĐH, Ngân tiếp tục duy trì thành tích đáng nể khi nhận học bổng khuyến khích học tập ở các học kỳ, học bổng từ chương trình phát triển nhân tài Never give up, học bổng từ quỹ The light from within, học bổng cho nữ sinh xuất sắc từ tổ chức WEAV, giải Sinh viên xuất sắc cấp trường các năm. Và trong vai trò ủy viên ban chấp hành Đoàn, cô cũng nhiều lần nhận khen thưởng với thành tích hoạt động xuất sắc.
Giành được học bổng du học Anh với mong muốn tìm cách điều trị ung thư
Một điểm nhấn khác trong hành trình ĐH của Ngân là khả năng nghiên cứu. Bởi, cô có 4 công bố khoa học xuất bản trên các tạp chí quốc tế, với 2 bài là tác giả chính và 2 bài là tác giả liên hệ, chủ đề chính là cơ chế phân tử chiết xuất từ hợp chất thiên nhiên trong việc kháng khuẩn và kháng vi sinh. Nhờ đó, Ngân được trao giải Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam từ Trung ương Đoàn và Bộ KH-CN, giải KOVA hạng mục triển vọng trong nghiên cứu từ tập đoàn KOVA, giải Khoa học và công nghệ dành cho sinh viên từ Bộ GD-ĐT và Bộ KH-CN…
“Định hướng của tôi là nghiên cứu cơ chế phân tử, tế bào trong hỗ trợ chẩn đoán, nghiên cứu liệu pháp điều trị bệnh, nhất là ung thư cổ tử cung. Bởi, về cả tỷ lệ mắc và tử vong vì ung thư, các số liệu gần đây cho thấy Việt Nam đang đứng hàng đầu”, Ngân kể. “Trước thực trạng này, tôi rất mong có thể gặp gỡ, cộng tác với những nhà nghiên cứu tài giỏi hơn để góp phần nhỏ vào tiến trình điều trị ung thư trên thế giới”.
Nữ sinh chia sẻ, một trong những phương pháp điều trị ung thư phổ biến là dùng hóa chất, tức hóa trị. Song, cách vận chuyển thuốc hiện tại không chỉ “diệt” tế bào ung thư mà còn cả những tế bào khác, gây rụng tóc và nhiều triệu chứng khác. “Thế nên, tôi muốn dùng công nghệ nano để ‘gói’ lại thuốc trong một ‘túi’ có kết nối với tế bào ung thư. Nhờ đó, khi thuốc vào cơ thể, nó có thể ‘tìm’ đúng và ‘diệt’ mỗi tế bào ung thư, hạn chế tối đa tác dụng phụ”, Ngân nói.
Từng gặp thiên kiến khi nghiên cứu
Học tập, nghiên cứu trong ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) nơi nữ giới chiếm thiểu số, Ngân thừa nhận đôi khi cô cũng gặp thiên kiến về giới. Như trong một lần báo cáo khoa học, cô phải đối diện với “thái độ khác” từ hội đồng so với lúc các bạn nam báo cáo.
Hay khi tham gia phòng thí nghiệm toàn nam, mọi người cũng đánh giá cô bằng con mắt hoài nghi. “Trong các tình huống trên, tôi luôn ‘chắc lòng chắc dạ’ và cố làm tốt nhất có thể để mọi người biết điều gì nam giới làm được thì tôi cũng làm được”, Ngân bộc bạch.
Người Việt duy nhất trong lớp thạc sĩ
Để nhận học bổng toàn phần du học Anh, Ngân phải trải qua hai giai đoạn độc lập. Đầu tiên, cô phải ứng tuyển vào trường ở Anh, vượt qua vòng đơn, vòng phỏng vấn để nhận thư mời nhập học không điều kiện. Có được thư mời đó, cô tiếp tục hoàn thành hồ sơ xin học bổng để nộp cho cơ quan tiếp nhận là Hội đồng Anh và chờ kết quả cuối cùng. “Đó là một hành trình dài, và tôi không thể nào quên buổi phỏng vấn với trường khi đang ở bệnh viện chăm mẹ”, cô nhớ lại.
Cụ thể, trường sẽ xem xét và đánh giá thái độ, động lực và năng lực nghiên cứu của ứng viên ở vòng này. Chẳng hạn, trường đưa cô đọc ba công bố khoa học đăng trên tạp chí Nature, yêu cầu cô chọn một công bố để trình bày lại theo cách hiểu của mình. Trường cũng xem luận văn tốt nghiệp của Ngân và yêu cầu cô chia sẻ về đề tài đã thực hiện.
“Để thực sự thuyết phục hội đồng, điều quan trọng nhất là sự chân thành, cả về mặt tính cách và mong muốn được học ở trường. Như ở câu hỏi đầu tiên, vì đã tìm hiểu rất kỹ về nơi mình muốn học, tôi không chỉ giải thích lại mà từ đó còn nêu hướng nghiên cứu trong tương lai nhờ các phòng thí nghiệm hiện có ở trường. Hay ở câu hỏi sau đó, tôi đã thú nhận đề tài mình còn có khuyết điểm lớn và phân tích hành trình thạc sĩ sắp tới có thể giải quyết nó ra sao”, cô nói.
“Làm khoa học phải chân thành từ lúc thực hiện đến khi trình bày, vì lúc nói chuyện với giáo sư mình lừa dối là lòi ra hết”, Ngân nhận định. Và nhờ thế, cô đã trúng tuyển vào một chương trình học có độ cạnh tranh rất cao, chỉ nhận 14 học viên trên toàn thế giới và cô cũng là người Việt duy nhất trong lớp.
Đồng hành trên con đường nghiên cứu từ khi Ngân lên năm 2, PGS-TS Đỗ Tấn Khang, Trưởng bộ môn sinh học phân tử, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường ĐH Cần Thơ, nhận định nữ sinh có nền tảng tiếng Anh rất tốt, “mở đường” cho cô tiếp cận nhiều tài liệu quốc tế và nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm nghiên cứu. “Bạn đã tự viết, xuất bản một bài báo quốc tế trong hệ thống Scopus và sự hướng dẫn của giảng viên chỉ đóng góp một phần nhỏ vào thành tích này”, thầy Khang chia sẻ.
Cuối tháng 9 tới, Ngân sẽ đến Anh bắt đầu chương trình học nghiên cứu y sinh học liên ngành, tức tìm hiểu cách ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực y sinh học. Mục tiêu ngắn hạn của cô là quảng bá, nâng cao nhận thức cho người dân Việt Nam khi từ năm 2026, vắc xin HPV ngừa ung thư cổ tử cung sẽ được triển khai tiêm miễn phí trên toàn quốc. Về lâu dài, nữ sinh sẽ tìm cơ hội học lên tiến sĩ để tiếp tục hiện thực hóa khát vọng điều trị ung thư.
Cách chinh phục các học bổng
Để “săn” học bổng du học Anh hiệu quả, theo Ngân, các bạn sinh viên không nên chờ cơ hội đến mà phải chủ động đi tìm ở nhiều nguồn khác nhau, như thông tin từ phòng công tác sinh viên hay các quỹ học bổng danh tiếng. “Về cách chuẩn bị hồ sơ, các bạn nên tìm hiểu rõ tiêu chí của chương trình học bổng và phản tư lại chính mình để có thể xây dựng CV, viết bài luận phù hợp. Đừng nên ‘rải đơn’ cho các nơi với một nội dung như nhau”, Ngân chia sẻ.