Từ năm 2018, chương trình Giáo dục phổ thông cho phép học sinh THPT được phép lựa chọn môn học, môn thi tốt nghiệp yêu thích, phù hợp năng lực để tập trung phát triển thế mạnh bản thân, xác định rõ mục tiêu và xây dựng lộ trình học tập tối ưu. Thế nhưng, nhiều người cho rằng việc chọn môn học và thi hiện nay còn cảm tính, mất cân đối.
Tham khảo:
Để học sinh chọn đúng môn học, môn thi tốt nghiệp
Một giáo viên (GV) dạy môn khoa học tự nhiên (KHTN) cấp THCS tại Q.1, TP.HCM, cho hay nhiều học sinh (HS) không hứng thú với KHTN. Theo GV này, kiến thức trong môn KHTN (vật lý, hóa học, sinh học) thường mang tính lý thuyết và trừu tượng, yêu cầu tư duy logic và khả năng ghi nhớ. Nếu không được giảng dạy một cách sinh động, HS có thể cảm thấy nhàm chán hoặc khó hiểu.
Có nhiều nguyên nhân như: Phương pháp giảng dạy cũ, ít sử dụng các thí nghiệm thực tế, thiếu sự kết nối giữa kiến thức và ứng dụng thực tiễn khiến HS không thấy được ý nghĩa của môn học. Bên cạnh đó, do GV đơn môn từ chương trình cũ sang dạy cả 3 phân môn của chương trình mới nên vẫn còn tình trạng “dạy cho có” chứ không phải dạy theo kiểu “biết 10 dạy 1”.
Mặt khác ở một số trường, 3 phân môn do 3 GV phụ trách nên tạo áp lực tâm lý rất lớn khiến HS sợ học môn KHTN.
Nhiều phụ huynh thấy môn học khó nên không khuyến khích hoặc không có định hướng rõ ràng về vai trò của KHTN trong đời sống. Điều này ảnh hưởng đến sự hứng thú và nhận thức của HS.
“Khi bước vào cấp THPT, khuynh hướng của HS và phụ huynh là chọn môn học, môn thi tốt nghiệp dễ, nhẹ nên đa phần nghiêng về các môn khoa học xã hội (KHXH). Một số ít do mơ ước và kỳ vọng của gia đình nên chọn tổ hợp môn KHTN để học ngành sức khỏe, chế tạo máy, xây dựng…”, GV này nêu thực tế và thông tin thêm khi dạy các môn vật lý, hóa học, sinh học ở cấp THCS, thì phát hiện lỗ hổng kiến thức rất lớn ở hầu hết HS.
Thạc sĩ Phạm Phương Bình, Phó phòng GDTX Sở GD-ĐT TP.HCM, cũng cho rằng GV dạy môn KHTN phần lớn được bồi dưỡng theo kiểu “chữa cháy” (GV dạy môn vật lý thì bồi dưỡng thêm hóa học, sinh học, tương tự với GV dạy hóa học, sinh học). Cách làm này không thể đáp ứng mục tiêu chương trình khi yêu cầu dạy học theo năng lực HS.
Việc này tạo nên tâm lý HS chán học KHTN vì các em không thể cảm thụ, hiểu và vận dụng kiến thức. Việc “mất căn bản kiến thức” từ cấp THCS dẫn đến các em “sợ” môn vật lý, hóa học, sinh học.
TÂM LÝ CHỌN KHXH “CHO DỄ”
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Phương Bình, còn do sự đánh giá không đều tay giữa các môn học. Một số GV môn vật lý, hóa học, sinh học thường đưa nhiều kiến thức khó, các đề thi HS giỏi để dạy, kiểm tra. HS dễ bị điểm thấp hơn so với học các môn KHXH.
Phần lớn HS chọn học KHTN phải đi học thêm để bổ sung kiến thức và giải quyết bài tập, luyện đề cũng là một nguyên nhân tạo áp lực căng thẳng và dẫn đến xu hướng thay đổi lựa chọn môn học của HS. Khi so sánh giữa các môn KHTN và KHXH, các em thấy học lịch sử, địa lý nhẹ nhàng hơn.
Ngoài ra, ông Bình cho hay sự thay đổi về phương thức tuyển sinh của các trường ĐH với nhiều phương thức đa dạng, trong đó nhiều HS chọn phương án xét tuyển học bạ, tham gia các kỳ thi riêng dẫn đến không tập trung vào các tổ hợp truyền thống xét tuyển ĐH. Việc xét tuyển của một số trường ĐH bằng học bạ bắt buộc HS phải tính toán lựa chọn môn học nào dễ có điểm cao hơn.
Ông Bình cho rằng đó còn là sự thay đổi từ phía phụ huynh. Nếu như trước đây phụ huynh áp đặt việc học của con thì hiện nay đồng hành, chia sẻ và chấp nhận lựa chọn của con. Nhiều phụ huynh chỉ yêu cầu con học sao cho tốt, ít áp lực, vui vẻ và hạnh phúc khi đến trường. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến xu hướng thay đổi lựa chọn môn học ngay từ lớp 10.
Theo ý kiến của nhiều GV, thực tế việc chọn môn KHXH học để nhẹ là tâm lý tạm thời, đây cũng là điều hiển nhiên. Vấn đề là khối ngành xét tuyển ĐH các môn KHTN cũng rất đa dạng nên nếu tự HS thu hẹp không chọn học KHTN sẽ đánh mất nhiều cơ hội các ngành cần nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ, khoa học kỹ thuật – vốn là nền tảng cơ bản phát triển công nghiệp quốc gia.
Ngoài ra, thầy cô ở cấp THPT cần tạo đam mê và gieo mầm KHTN để tỷ lệ HS yêu thích KHTN và KHXH ngang bằng nhau.
CẦN ĐỔI MỚI KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ, TUYỂN SINH
Theo hiệu phó một trường THPT tại TP.Thủ Đức (TP.HCM), để không còn tâm lý chọn môn KHXH vì học nhẹ nhàng, học bạ đẹp thì cần phải giải quyết vấn đề từ đào tạo GV đến định hướng liên thông về triển khai chương trình giữa cấp THCS và cấp THPT, đặc biệt giữa chương trình THPT với việc tuyển sinh của các trường ĐH. Cốt lõi của vấn đề là đổi mới kiểm tra đánh giá và tuyển sinh phải phù hợp mục tiêu chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Về vấn đề này, thạc sĩ Phạm Lê Thanh, GV Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), đề nghị Bộ GD-ĐT cần sớm đưa ra phương hướng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, sử dụng kết quả thi này để xét tuyển ĐH sẽ như thế nào. Vì thực tế theo quy định, HS thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ thi 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn; hai môn còn lại tự chọn trong số các môn ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ và tin học. Như vậy số môn thi không phủ hết tổ hợp truyền thống xét tuyển vào ĐH.
Thạc sĩ Thanh phân tích trước đây tuy có đến gần 100 tổ hợp 3 môn xét tuyển nhưng trên thực tế HS cũng chỉ đăng ký xét tuyển tập trung theo các khối thi truyền thống như khối A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, ngoại ngữ), B00 (toán, sinh, hóa), C00 (văn, sử, địa), D01 (toán, văn, Anh). Mỗi ngành tuyển sinh thường xét tuyển theo nhiều tổ hợp, tối đa là 4 và cũng chỉ xung quanh 5 tổ hợp truyền thống.
“Bộ cần nghiên cứu sử dụng điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH bảo đảm tính công bằng nếu sử dụng nhiều tổ hợp môn để xét tuyển vào cùng một ngành. Các trường ĐH hiện nay có thể dùng phương thức tuyển sinh riêng nhưng mỗi nơi một kiểu khác nhau.
Do đó rất mong được Bộ GD-ĐT ban hành trong quy chế tuyển sinh quy định cụ thể về mặt quản lý nhà nước để bảo đảm kiểm tra, giám sát được chất lượng kỳ thi và công bằng cho người học”, GV Phạm Lê Thanh đề nghị.
Công thức “3 Hiểu” cân bằng lựa chọn của HỌC SINH
Với chương trình GDPT hiện hành, HS được phép lựa chọn môn học phù hợp năng lực. Vì vậy, HS và phụ huynh cần quan tâm, có góc nhìn đúng để chọn đúng và giúp HS phát huy tối đa năng lực cũng như không làm cán cân chọn lựa môn học mất cân đối một cách cảm tính.
Để làm được điều này, thạc sĩ Phạm Lê Thanh cho rằng HS cần nắm công thức “3 Hiểu” khi chọn môn học.
Trước hết phải “Hiểu mình”, yếu tố then chốt khi lựa chọn tổ hợp các môn học là HS cần phải thấu hiểu về bản thân mình. Điều này bao gồm việc tìm hiểu năng lực cá nhân, điểm mạnh cũng như điểm yếu, những khả năng tiềm ẩn và cả sở thích của chính mình. HS nên tự hỏi: “Mình có những kỹ năng gì mà mình cảm thấy tự tin khi thực hiện? Yêu thích hoạt động gì? Muốn làm gì trong tương lai?”.
Tiếp đó là phải “Hiểu nghề”, bởi trong quá trình lựa chọn môn học, môn thi tốt nghiệp theo định hướng nghề nghiệp, HS cần tìm hiểu về các ngành nghề khác nhau, những kỹ năng cần thiết và xu hướng phát triển. Cha mẹ, thầy cô, nhà trường cần hỗ trợ HS phân tích và dự báo xu hướng nghề nghiệp, nguồn nhân lực cần thiết trong xã hội để các em có thể định hướng nghề nghiệp.
Và đặc biệt là “Hiểu trường ĐH” mong muốn học tập sẽ có những phương thức xét tuyển/thi tuyển nào ứng với ưu thế của bản thân. Các kỳ thi riêng của những trường ĐH yêu cầu cần học tốt những môn học nào?…
Tham khảo thêm các thông tin về di trú và du học tại: https://ditruglobal.com/