Các ngành đào tạo nhân lực cho Metro

Tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên vừa được khai trương đã thu hút nhiều sự chú ý của người dân. Các trường ĐH, CĐ đang đào tạo nhiều ngành mà sinh viên ra trường có thể tham gia vận hành hệ thống Metro.

Tham khảo:

Các nhân viên điều độ đang làm nhiệm vụ vận hành tuyến Metro số 1
Các nhân viên điều độ đang làm nhiệm vụ vận hành tuyến Metro số 1

Ngày 22.12, TP.HCM đã chính thức khai trương tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên).

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đang được thẩm định, mạng lưới Metro tại TP.HCM có 10 tuyến với tổng chiều dài 510 km. Theo đề án Metro tổng thể tại TP.HCM, thành phố đã đề xuất 43 cơ chế, chính sách để đầu tư, hoàn thành 7 tuyến metro với tổng chiều dài 355 km vào năm 2035. Khi các tuyến metro này đưa vào khai thác, vận tải hành khách công cộng sẽ đảm bảo đáp ứng 40-50% nhu cầu đi lại của người dân.

Metro vận hành, ĐH Quốc gia TP.HCM mở thêm ngành học đáp ứng giao thông hiện đại

Đón đầu xu hướng phát triển này, các cơ sở đào tạo mở các ngành học đào tạo nhân lực có thể tham gia vận hành các hệ thống đường sắt đô thị.

ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ mở ngành đào tạo nhân lực vận hành Metro

Chia sẻ trong hội nghị thường niên năm 2024, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết năm 2025 ĐH này tiếp tục mở mới một số chương trình đào tạo liên ngành, liên trường nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước.

Cụ thể là các ngành về năng lượng mới (năng lượng tái tạo, điện hạt nhân); các ngành về logistics mới đào tạo nhân lực có thể tham gia vận hành hệ thống metro, sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt cao tốc…

‘Điểm danh’ những ngành đào tạo nhân lực cho metro- Ảnh 2.

Đội ngũ kỹ thuật bảo trì, bảo dưỡng đầu máy toa xe làm việc ở depot Long Bình

Những ngành học nào liên quan trực tiếp đến Metro?

Nhiều trường ĐH hiện đang đào tạo một số ngành liên quan tới Metro. Chẳng hạn, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có 2 chuyên ngành xây dựng đường sắt – Metro và xây dựng công trình giao thông đô thị thuộc ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông của trường đã bắt đầu đào tạo từ năm 2008 (30 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm).

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tham gia thiết kế, thi công, giám sát, quản lý dự án xây dựng trong giai đoạn xây dựng. Ngoài ra, sinh viên có thể tham gia công tác duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật trong giai đoạn vận hành metro.

Cũng tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, chuyên ngành hệ thống điện giao thông thuộc ngành kỹ thuật điện được mở đào tạo từ năm 2018 với số lượng gần 40 người/lớp. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tham gia lắp đặt hệ thống điện Metro trong giai đoạn xây lắp và vận hành hệ thống điện khi đi vào vận hành.

Ngoài ra, một số ngành liên quan tới giao thông khác nhưng sinh viên cũng có thể tham gia công tác quản lý xây dựng, vận hành hệ thống đường sắt đô thị như: kinh tế vận tải, kinh tế xây dựng, quản lý dự án, công nghệ thông tin…

Phân hiệu Trường ĐH Giao thông vận tải tại TP.HCM hiện cũng có bộ môn cầu hầm và Metro. Phân hiệu đã đào tạo chuyên ngành đường hầm và metro thuộc ngành kỹ thuật công trình giao thông nhiều năm nay. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp 2 chuyên ngành giao thông thông minh và trang thiết bị điện của khoa Điện – Điện tử của trường này cũng có thể làm việc liên quan đến hệ thống metro khi chính thức vận hành.

Khu vực phía bắc, Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải cũng đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng đường sắt và Metro.

Nhân viên nhà ga tập huấn cách vận hành máy bán vé Metro số 1 (thời điểm chưa vận hành chính thức)
Nhân viên nhà ga tập huấn cách vận hành máy bán vé Metro số 1 (thời điểm chưa vận hành chính thức)

Nhiều công việc khai thác hệ thống Metro

Không chỉ những người tốt nghiệp các ngành liên quan trực tiếp đến xây dựng Metro mới có thể tham gia làm việc trên hệ thống này, quá trình khai thác và vận hành hệ thống còn cần nhiều nhân lực đến từ các ngành học, trình độ khác nhau.

Trong đó, công việc liên quan trực tiếp phục vụ trên tàu hoặc liên quan đến tàu như: lái tàu, điều động. Các bộ phận phát hành/soát vé đối với các hệ thống bán tự động, nhân sự phụ trách về an toàn cho hành khách và ê kíp trên tàu liên quan lĩnh vực dịch vụ, logistics. Nhân sự công nghệ thông tin cực kỳ quan trọng trong quản lý hệ thống bằng tin học, hệ thống vé, vạch tuyến… Đó còn là nhân lực từ các ngành quản trị nhân lực, kế toán – kiểm toán, tài chính…

Tham khảo thêm các thông tin về di trú và du học tại: https://ditruglobal.com/