Chấm dứt thi vào lớp 6: Lo lặp lại ‘làm đẹp’ học bạ, giải thưởng

Bộ GD-ĐT bất ngờ đưa ra ‘lệnh’ chấm dứt hoàn toàn việc thi vào lớp 6 hay đánh giá năng lực vào lớp 6 của những trường đặc thù khiến không chỉ các trường trở tay không kịp mà còn nặng trĩu lo lắng về tình trạng ‘chạy’ học bạ, giải thưởng để xét tuyển vốn đã từng xảy ra.

Tham khảo:

Chấm dứt thi vào lớp 6: Lo lặp lại ‘làm đẹp’ học bạ, giải thưởng

Trước lệnh cấm trên, những người trong cuộc hay từng chứng kiến các lần thi – cấm thi, thi – cấm thi của Bộ GD-ĐT trong 10 năm trở lại đây sẽ thấy đáng lo hơn đáng mừng.

Từ năm 2015, Bộ GD-ĐT cấm thi vào lớp 6 dù là trường tư, trường chất lượng cao, hay trường đặc thù. Phụ huynh, học sinh (HS) chưa kịp mừng thì đã nhận ra việc xét tuyển vào lớp 6 với những tiêu chí phụ ngoài kết quả học bạ là giải thưởng các cuộc thi đã gây ra nhiều bất cập.

Thời điểm đó, bùng nổ các cuộc thi thương mại mang danh quốc tế như: toán, tiếng Anh qua mạng, thi khoa học bằng tiếng Anh… Để hạn chế, Sở GD-ĐT Hà Nội đã phải đưa ra một danh sách các cuộc thi. Tuy nhiên, chính trong các kỳ thi nằm trong danh sách của sở thì HS và phụ huynh cũng có nhiều cách để lách, để luyện, chưa nói đến các biểu hiện tiêu cực khác.

Học sinh tham gia kỳ thi vào lớp 6 Trường THCS - THPT Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) năm 2024
Học sinh tham gia kỳ thi vào lớp 6 Trường THCS – THPT Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) năm 2024

Không chỉ có môn văn hóa, các cuộc thi nhằm khuyến khích HS phát triển toàn diện như văn nghệ, thể dục thể thao cũng đầy tiêu cực để có giải thưởng. Có những HS không thế mạnh gì về thể dục thể thao nhưng lại được giải rất cao về điền kinh, bơi lội…

Mặt khác, sau vài năm thực hiện thi vào lớp 6, dư luận sửng sốt vì xuất hiện hàng nghìn học bạ “siêu nhân” toàn điểm 10 để xét vào lớp 6 các trường “hot”… Còn bản thân các trường thì cho biết sau khi bỏ thi, nhiều HS vào trường đạt điểm rất cao, giải thưởng chồng chất, nhưng phải học lại kiến thức cơ bản.

Nhiều ý kiến đề nghị nên cho các trường tổ chức thi vào lớp 6, dù có thể HS phải ôn luyện nhưng các trường nói đó là chất lượng thật còn hơn là bắt họ chấp nhận một chất lượng giả. Tổ chức một kỳ thi sẽ trung thực và công bằng hơn so với rất nhiều các loại kỳ thi không thể kiểm soát chất lượng như vậy.

Sau 2 năm áp dụng xét tuyển, ngày 29.5.2017, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi các sở GD-ĐT chỉ đạo giảm các cuộc thi cấp quốc gia cũng như các cuộc thi tại địa phương dành cho giáo viên (GV) và HS phổ thông. “Kết quả rà soát của Bộ cho thấy số lượng các cuộc thi dành cho GV và HS hiện nay quá nhiều, chồng chéo, gây áp lực cho GV, HS.

Nhiều cuộc thi không nhận được sự đồng tình của xã hội”, văn bản chỉ rõ. Vì vậy, Bộ chủ trương giảm các cuộc thi cấp quốc gia, chỉ chọn một số cuộc thi cơ bản, gắn liền với nhiệm vụ chính trị của ngành để tổ chức.

Đáng lưu ý, tại văn bản này, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ “không sử dụng kết quả các cuộc thi do sở tổ chức và thành tích của HS do sở cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế vào việc đánh giá kết quả học tập của HS từ năm học 2017 – 2018, tuyển thẳng trong xét tuyển HS đầu cấp từ năm học 2018 – 2019”.

Đến năm 2018, Bộ GD-ĐT chính thức ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, trong đó bổ sung quy định: “Trường hợp cơ sở giáo dục có số HS đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, sở GD-ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển, hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực HS”.

Bộ không cấm các trường kiểm tra đánh giá năng lực vào lớp 6

CHƯA BIẾT CĂN CỨ VÀO ĐÂU ĐỂ XÉT TUYỂN CÔNG BẰNG, KHÁCH QUAN

Đối với việc tuyển sinh thi vào lớp 6 một số trường đặc thù bằng “kiểm tra đánh giá năng lực” thực hiện 7 năm qua, không có ý kiến lo ngại nào về tiêu cực hay bất cập lớn. Do vậy, dư luận thực sự bất ngờ, có ý kiến nói “trở tay không kịp” khi quy chế tuyển sinh THCS và THPT do Bộ GD-ĐT vừa ban hành, việc tuyển sinh THCS chỉ còn một phương thức xét tuyển, không còn ngoại lệ cho các trường đặc thù.

Điều đáng nói, dự thảo quy chế công bố lấy ý kiến xã hội đều không hề có “dự lệnh” cho việc bỏ thi vào lớp 6, trái lại vẫn nêu: “Trường THCS có số HS đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh thì được thực hiện tuyển sinh theo phương thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực của HS”.

Trên địa bàn Hà Nội có khá nhiều trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 bằng hình thức kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào như: THCS Nguyễn Tất Thành, THCS Ngoại ngữ, THCS Cầu Giấy, THCS Thanh Xuân, THCS Nam Từ Liêm, THCS Lê Lợi, THCS Thực nghiệm. Bên cạnh đó, hàng loạt trường THCS tư thục ở Hà Nội lâu nay đều tổ chức tuyển sinh thi vào lớp 6 do không tuyển sinh theo tuyến, số lượng dự tuyển lớn hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh…

Đến thời điểm này, nhiều trường tư thục trên địa bàn Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh lớp 6 cho năm học tới với hình thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra đánh giá năng lực, như quy chế cũ và dự thảo quy chế mới. Thậm chí, có trường đã tổ chức thi tuyển xong. Hầu hết các trường đều nói chưa biết sẽ phải tuyển sinh lớp 6 ra sao để không lặp lại những bất cập khi cấm thi như các năm 2015 – 2017.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng: “Quy chế quy định tiêu chí xét tuyển do sở GD-ĐT hướng dẫn cụ thể. Thế nhưng căn cứ vào đâu để định ra tiêu chí xét tuyển, nếu không dựa vào học bạ và một số “thành tích” của các kỳ thi văn hóa, văn nghệ, thể thao…?

Gần đây, Bộ GD-ĐT đã hạn chế tuyển sinh ĐH bằng phương thức xét học bạ THPT. Vì sao? Câu trả lời thuyết phục nhất không ai khác ngoài Bộ GD-ĐT. Học bạ tiểu học còn “mờ” hơn học bạ THPT, hơn 90% là xuất sắc”.

Thầy Khang bày tỏ lo ngại, năm học này phụ huynh sẽ lại chạy đua làm học bạ đẹp và huy chương các loại để có một suất vào trường chất lượng cao, trường “hot”… “Kỳ tuyển sinh thi vào lớp 6 trong tình huống đó liệu có công bằng, khách quan, minh bạch?”, ông đặt câu hỏi.

Do vậy, thầy Khang đồng tình với ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT nên để sở tự quyết các kỳ thi của địa phương, do địa phương chịu trách nhiệm “vì đặc thù của mỗi địa phương khác nhau. Hà Nội không giống Cao Bằng, TP.HCM không giống Cà Mau”.

Trong khi đó, đại diện Bộ GD-ĐT chỉ nêu mong muốn chung chung: các sở GD-ĐT sớm có hướng dẫn tiêu chí xét tuyển lớp 6 những trường đặc thù theo hướng thúc đẩy phát triển giáo dục toàn diện chứ không chỉ dựa vào kết quả học tập ở cấp tiểu học để tuyển sinh.

Hàng loạt trường đại học nhận hồ sơ xét tuyển học bạ trong tháng 1

Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ đề xuất khảo sát tuyển sinh lớp 6 năm học 2025 – 2026

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết sẽ xây dựng kế hoạch tuyển sinh lớp 6 sao cho phù hợp với thực tế của TP trong đó có thể tính toán đề xuất phương án tổ chức khảo sát đánh giá năng lực để tuyển sinh lớp 6 năm học 2025 – 2026 cho một số trường THCS có nhu cầu học tập cao hơn gấp nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh.

Một lãnh đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ theo quy chế, Bộ GD-ĐT cho phép sở GD-ĐT quyết định về tiêu chí xét tuyển vào lớp 6. Như vậy, việc xét tuyển có thể thực hiện dựa trên căn cứ như điểm kiểm tra của HS ở bậc tiểu học hoặc điểm bài khảo sát.

Đối với trường hợp số HS dự tuyển cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 như Trường THCS – THPT Trần Đại Nghĩa hay một số trường tại Q.7, TP.Thủ Đức, H.Hóc Môn thì Sở GD-ĐT sẽ nghiên cứu và có đề xuất với UBND TP xin phép thực hiện hình thức phù hợp để tuyển sinh lớp 6.

Năm học 2024 – 2025, TP.HCM có 6 trường thực hiện tuyển sinh lớp 6 bằng bài khảo sát đánh giá năng lực.

Một cán bộ quản lý việc tuyển sinh lớp 6 của TP.Thủ Đức mong muốn thực hiện hình thức tuyển sinh lớp 6 bằng bài khảo sát đánh giá năng lực đầu vào như những năm vừa qua. “Nếu xét tuyển đầu vào bằng điểm toán, tiếng Việt cũng như các chứng chỉ tiếng Anh hay kỹ năng khác sẽ rất khó đảm bảo.

Còn nếu lấy theo kết quả của các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học… thì áp lực dồn vào việc HS phải tham gia các kỳ thi… Vì thế, việc tổ chức khảo sát sẽ giúp trường chọn lựa được những HS thực sự xuất sắc và phù hợp”, người này cho biết.

Tham khảo thêm các thông tin về di trú và du học tại: https://ditruglobal.com/