Chấp nhận thua lỗ khi cho con đi du học

Cho con đi du học là niềm mong ước của rất nhiều bậc phụ huynh. Có nhiều phụ huynh chỉ nghĩ đơn giản rằng gia đình có nhiều tiền là cho con đi du học được. Nhưng suy nghĩ đó hoàn toàn sai lầm. Bởi nếu chỉ có mỗi tài chính tốt thì cũng chẳng đảm bảo sẽ cho con một tương lai tốt đẹp ở trời Tây.

Nhiều bậc phụ huynh chấp nhận thua lỗ khi cho con đi du học
Nhiều bậc phụ huynh chấp nhận thua lỗ khi cho con đi du học

Cho con đi du học chỉ cần có tài chính là đủ?

Có nhiều phụ huynh có điều kiện thường nghĩ sẽ cho con đi du học nhưng cũng có nhiều phụ huynh không cho con đi du học vì sợ con sang nước ngoài một mình sẽ gặp nhiều khó khăn, vất vả khi không có bố mẹ bên cạnh. Suy nghĩ này cũng là của thế hệ cũ, không còn phù hợp với thời đại công nghệ 4.0.

Con gái tôi sinh năm 2006, vừa tốt nghiệp THPT năm 2024 và chuẩn bị lên đường đi du học Hà Lan vào 21/8 tới đây. Con tôi đã có kết quả thi đỗ ngành Tâm lý học ở Đại học Maastrict (Hà Lan), Đại học Eramus Rotterdam (Hà Lan) và một trường đại học ở Italy từ 15/4.

Sau khi biết tin tôi cho con gái đi du học, nhiều người trong gia đình đều phản đối với lý do “không nên cho con đi nước ngoài sớm quá”, “con một mình ở nước ngoài thì lúc ốm đau không có ai chăm sóc”, “có gặp khó khăn gì cũng không thể nhờ người thân giúp đỡ”, “sợ con bị lừa”, “sợ con bị người xấu hại”, “sợ chi phí tốn kém quá”, “học ngành Tâm lý học khó xin việc, thu nhập thấp”…

Nhưng dù ai ngăn cản thế nào thì riêng tôi vẫn ủng hộ con gái thực hiện ước mơ du học ngành này. Bởi lẽ, mẹ con tôi đã có định hướng ngay từ khi con còn nhỏ. Khi con vào lớp 1, tôi đã trò chuyện, phân tích cho con các khả năng nếu con học tập có thành tích giỏi, khá, trung bình thì con sẽ có thể học được trường tiểu học, THCS, THPT, đại học nào tương xứng với khả năng của con.

Tôi dạy con rằng: “Không ai có thể học thay được con, con học được trường nào là nhờ chính khả năng của con tự phấn đấu và tự thi đỗ. Bố mẹ không bao giờ đi dùng mối quan hệ để can thiệp vào điểm học bạ của con.

Nếu con không tự cố gắng mà dựa dẫm vào bố mẹ ngoại giao để con có thành tích học tập tốt hơn thì dù con có được vào học ở ngôi trường tốt, con cũng sẽ luôn nằm trong top học sinh kém nhất lớp và không thể giúp con tiến bộ được. Con phải tự đi bằng chính đôi chân của mình chứ không phải dựa dẫm vào bố mẹ.

Con cũng cần cố gắng học giỏi ngoại ngữ để có thêm cơ hội thi đỗ đại học ở nước ngoài. Nếu con có sự chuẩn bị tốt về mọi mặt cho cuộc sống tự lập xa nhà, tự thi đỗ đại học ở nước ngoài, có khả năng chịu được áp lực, vất vả khi sống xa nhà, vừa đi học vừa đi làm thêm kiếm tiền để đỡ cho bố mẹ một phần gánh nặng thì mẹ mới cho con đi học.

Còn nếu con không có sự chuẩn bị nào, không có khả năng tự lập, không có khả năng vừa đi học vừa đi làm thêm, chỉ biết dựa dẫm vào bố mẹ, xin tiền đi du học tự túc hoàn toàn thì mẹ không bao giờ cho con đi du học.

Bởi, những đứa trẻ không có khả năng tự lập, không chịu được áp lực, vất vả, chỉ biết tiêu tiền của bố mẹ thì cho đi du học sẽ chỉ tốn tiền mà không có hiệu quả gì. Số tiền đầu tư cho con đi du học tự túc hoàn toàn bốn năm mất bốn, năm tỷ đồng thì nên học đại học ở trong nước, xin việc sau khi ra trường và để dành vốn đầu tư cho con làm ăn thì tốt hơn”. Nhờ đó, con gái tôi đã phấn đấu không ngừng nghỉ từ cấp một đến giờ.

Khi cho con đi du học ba/ mẹ nên chuẩn bị kỹ về tài chính, tâm lý cho con
Khi cho con đi du học ba/ mẹ nên chuẩn bị kỹ về tài chính, tâm lý cho con

Đồng hành cùng con suốt 18 năm qua, tôi thấy con có đủ các điều kiện có thể đi du học nên mới đồng ý cho con đi, chứ không phải là không có căn cứ gì mà thả con ra nước ngoài sớm như một số người nghĩ. Tôi nghĩ rằng học đại học trong nước hay nước ngoài đều tốt cả. Vấn đề là lựa chọn học ở đâu phù hợp với sở thích, ước mơ, năng lực của con, hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình là được.

Mong muốn lớn nhất của bố mẹ khi cho con đi du học là con mình có cơ hội học tập ở môi trường giáo dục tốt, được sống trong môi trường sống tốt, có nhiều cơ hội phát triển bản thân tốt nhất. Các bậc phụ huynh và học sinh nên lựa chọn sao cho phù hợp với con mình, gia đình mình nhất và đạt được kết quả tốt nhất, tuyệt đối không nên lựa chọn giống con nhà người khác.

Bởi lẽ, mỗi đứa trẻ có một tính cách, ước mơ, năng lực khác nhau. Bố mẹ không thể áp dụng hoàn toàn phương pháp giáo dục, hành trình học tập của con nhà người khác để áp đặt vào con nhà mình và yêu cầu con phải thực hiện tốt theo mong muốn của bố mẹ chứ không phải của con.

Đừng vì bố mẹ thích con học ngành gì, đại học gì, thích cho con đi du học ở nước nào mà ép con làm theo. Con học ngành gì, trường đại học gì nên là quyết định của chính con chứ không phải quyết định của bố mẹ.

Nếu không phải do chính con đam mê, mong muốn theo đuổi ngành học ấy, không yêu quý ngôi trường ấy thì rất có thể sau này con sẽ cảm thấy chán học, thậm chí bỏ học hoặc sau khi ra trường lại đi làm trái ngành vì không có khả năng làm việc bằng đúng ngành đã học ở đại học. Bố mẹ cũng sẽ vất vả vì cứ phải chạy theo con, giục con, ép con sống và học tập theo ý mình.

Định hướng nào cho con đi du học

Tôi cho rằng học đại học trong nước hay nước ngoài đều có ưu, nhược điểm. Chỉ là mình lựa chọn phương án nào phù hợp với con mình nhất. Không nên thần thánh hóa việc du học. Nếu bạn có ý định cho con đi du học, bạn cần tìm hiểu rõ ưu, nhược điểm của việc du học, sau đó chuẩn bị hành trang cho con, đảm bảo quá trình học tập của con không bị đứt gánh giữa đường.

Nếu chỉ lo duy nhất vấn đề tài chính thì tôi thấy rất sai lầm. Vì thực tế có rất nhiều gia đình có kinh tế giàu có cho con đi du học tự túc, các em sang nước ngoài không chịu học, chỉ mải đi chơi và tiêu tiền của bố mẹ, hầu như không có động cơ phấn đấu, thậm chí còn sa vào các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, cá độ, hút chích…

Thực tế có rất nhiều gia đình có điều kiện kinh tế cho con đi du học tự túc, tuy nhiên các em lại không chịu học, chỉ mải đi chơi
Thực tế có rất nhiều gia đình có điều kiện kinh tế cho con đi du học tự túc, tuy nhiên các em lại không chịu học, chỉ mải đi chơi

Những em phát triển tốt nhất là những em xuất thân từ gia đình bình thường nhưng có năng lực học tập tốt, có khả năng tự lập tốt, có ý chí, có nghị lực kiên cường, được trang bị chu đáo hành trang đi du học.

Các phụ huynh nên xác định tư tưởng ngay từ đầu rằng cho con đi du học cũng là một kênh đầu tư, mà đầu tư thì phải có rủi ro, không có đầu tư nào đảm bảo an toàn, sinh lời tuyệt đối. Vì thế, bố mẹ đừng nghĩ rằng tốn bao nhiêu tiền đầu tư cho con học thì con mình phải học giỏi. Bố mẹ giỏi không có nghĩa con sẽ giỏi. Khi đã có gan đầu tư thì phải có gan chấp nhận khả năng bị thua lỗ, thậm chí còn trắng tay.

Có nên cho con đi du học không? Câu trả lời của tôi là có. Tuy nhiên, mỗi người nên xem xét nhiều khía cạnh, có chiến lược, có phương pháp giáo dục con từ sớm và cùng con xây dựng một kế hoạch du học thật chu đáo. Điều này sẽ tạo cơ hội để giúp trẻ học tập và có nền tảng vững vàng hòa nhập nhanh chóng với môi trường quốc tế.

Các phụ huynh hãy nhớ rằng đừng bao giờ bao bọc con quá kỹ, đừng làm hộ mọi việc cho con, hãy để con tự đi trên đôi chân của mình thì con mới trưởng thành và tiến bộ. Hãy làm bố mẹ thông minh chứ không làm bảo mẫu của con.