Đại học Úc (ĐH Adelaide) lên kế hoạch thay thế những buổi lecture (học trực tiếp tại giảng đường) bằng ‘những hoạt động học trực tuyến phong phú’. Tuy nhiên, Hiệp hội giáo dục ĐH quốc gia cho rằng động thái này sẽ ‘triệt tiêu’ giảng đường ĐH.
Đại học Úc thay thế bằng “những hoạt động học trực tuyến phong phú”?
Theo tờ The Guardian (phiên bản ở Úc), trong thông báo gửi đến giảng viên, nhân viên hồi tuần rồi, Đại học Adelaide – thuộc nhóm 8 ĐH hàng đầu Úc (Go8) – cho rằng “hầu hết sinh viên” sẽ không đến những giảng đường để nghe lecture (bài giảng trực tiếp tại giảng đường) từ năm 2026. Lecture sẽ dần được thay thế bằng “những hoạt động học trực tuyến phong phú”.
Ở Úc, trong một tuần, một môn học thường có một buổi lecture (sinh viên đến giảng đường nghe giáo sư giảng) và một buổi tutorial (chia ra nhiều nhóm nhỏ vào khung giờ khác nhau để sinh viên có cơ hội thảo luận sâu hơn và giáo sư giải đáp thắc mắc).
Thông báo được đưa ra sau khi ĐH Adelaide (University of Adelaide) và ĐH Nam Úc sáp nhập thành Adelaide University (gọi là ĐH Adelaide theo tiếng Việt). ĐH Adelaide mới sẽ tuyển sinh từ năm 2026.
Cụ thể, thông báo của ĐH Adelaide viết rằng: “Những hoạt động học trực tuyến phong phú sẽ cung cấp khối lượng kiến thức tương đương với lecture truyền thống tại giảng đường và sẽ hình thành cơ sở chung cho việc học trực tuyến, mang đến trải nghiệm nhất quán cho sinh viên. Các hoạt động dạy học trực tuyến tận dụng những nguồn tài nguyên kỹ thuật số chất lượng cao và sinh viên có thể tham gia mọi lúc mọi nơi”.
Tờ The Guardian dẫn lời tiến sĩ Andrew Miller, đại diện của Liên đoàn Giáo dục đại học quốc gia (NTEU) khu vực Nam Úc, cho biết các nhân viên, giảng viên bức xúc trước kế hoạch trên của trường mới sáp nhập vì họ không được tham vấn đầy đủ. Ông Miller cho biết thêm: “Chúng tôi kêu gọi ĐH Adelaide thay đổi kế hoạch này”.
Đáp lại, giáo sư Joanne Cys, người đứng đầu về xây dựng chương trình giảng dạy tại ĐH Adelaide mới, lý giải các hoạt động học tập trực tuyến sẽ không phải là “phương thức học tập chủ đạo”. Bà Cys đồng thời lưu ý, nhà trường chứng kiến số lượng sinh viên đến trường nghe giảng ngày càng giảm.
“Những hoạt động học tập trực tuyến sẽ hỗ trợ sự linh hoạt và khả năng tiếp cận với phương pháp giảng dạy hấp dẫn hơn, phù hợp hơn với sinh viên thời nay”, giáo sư Cys chia sẻ.
Dù vậy, tiến sĩ Alison Barnes, chủ tịch NTEU, nhận xét việc chuyển sang học trực tuyến sẽ đẩy nhanh cái mà bà gọi là quá trình “triệt tiêu giảng đường ĐH”, làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của sinh viên về đời sống ĐH.
“Hoạt động học trực tuyến phong phú là gì? Loại bỏ yếu tố con người trong giảng dạy? Điều này hoàn toàn trái ngược với bản chất của học thuật, vốn là trụ cột của cơ sở đào tạo ĐH”, bà Barnes chia sẻ.
Nhà trường tuyên bố cân bằng giữa học trực tuyến và trực tiếp
Trao đổi với Báo Thanh Niên, người phát ngôn của ĐH Adelaide cho biết việc chuyển sang học trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu học linh hoạt của “sinh viên hiện đại”.
Nhà trường nhấn mạnh bài giảng trên giảng đường (lecture) chỉ là một phần của chương trình đào tạo và trường vẫn tổ chức các hoạt động trực tiếp khác như buổi thảo luận do giảng viên hướng dẫn (tutorial), thực hành, hội thảo, workshop… cho sinh viên có cơ hội đến trường giao lưu, học hỏi.
Theo người phát ngôn, việc kết hợp nhiều cách dạy và học làm lợi cho cả giảng viên và sinh viên. Bởi lẽ sinh viên ngày nay muốn vừa học vừa làm việc hay chăm sóc gia đình.
Trong khi đó, việc có thêm thời gian giúp giảng viên mang đến những trải nghiệm học tập chất lượng cao hơn cho sinh viên. “Mỗi ngành học sẽ có chương trình đào tạo riêng và việc điều chỉnh sẽ mất khoảng 10 năm mới hoàn thành. Một thực tế khác là nhiều ĐH Úc cho sinh viên tự chọn học trực tuyến hay trực tiếp, và lãnh đạo các trường chứng kiến sự sụt giảm đều đặn về số người đến học trực tiếp, tức sinh viên thích học trực tuyến hơn”, vị này cho biết.
“Chúng tôi đầu tư vào công nghệ để làm video, podcast và module hóa các tài nguyên thay cho bài giảng trên lớp. Người học vẫn có thể tương tác với bạn bè, giảng viên qua các hoạt động này”, người phát ngôn chia sẻ.
Cũng theo đại diện ĐH Adelaide, việc học trực tuyến không ảnh hưởng đến chất lượng học tập, bởi các bài giảng trên lớp chỉ là hoạt động học tập thụ động, ngồi trên giảng đường hay ở nhà nghe giảng đều có hiệu quả như nhau. “ĐH Adelaide sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu của người học đương đại để họ có thể đạt được mục tiêu học tập mà vẫn cân bằng được các hoạt động khác trong cuộc sống cá nhân”, người phát ngôn của ĐH Adelaide nói.
Không chỉ riêng ĐH Adelaide, hồi năm 2021, ĐH Curtin (Úc) đã phải đối mặt sự phản đối dữ dội từ sinh viên sau khi đề xuất loại bỏ tất cả bài giảng trực tiếp và thay thế bằng 3 video dài 15 phút mỗi tuần. Sau đó, nhà trường và sinh viên đạt một thỏa hiệp, theo đó trường cung cấp “cơ hội học tập trực tiếp kết hợp với học trực tuyến khi cần thiết”, theo tờ The Guardian.