Thị trường du học 2025 có nhiều biến động lớn do các ảnh hưởng từ nền kinh tế – chính trị thế giới. Các điểm đến du học lớn trong một năm qua đã thay đổi nhiều chính sách liên quan đến tuyển sinh và tạo cơ hội cho du học sinh ở lại làm việc, với nhiều tin vui với người Việt.
Tham khảo:
Thị trường du học 2025 biến động, người Việt hưởng lợi
Một dấu ấn của năm 2024 là thêm nhiều hoạt động tư vấn tuyển sinh diễn ra ở cấp chính phủ và cấp trường học tại Việt Nam. Chẳng hạn, đây là năm đầu chính quyền bang New South Wales (Úc) tổ chức triển lãm du học ở Việt Nam, và cũng là lần đầu Lãnh sự quán Đức tại TP.HCM phối hợp cùng các cơ quan chính phủ khác của nước này tổ chức buổi hướng nghiệp và tư vấn du học nghề cho người Việt.
Ngoài ra, đây cũng là năm đầu cơ quan giáo dục Macau (Trung Quốc) cùng toàn bộ các trường ĐH tại đặc khu hành chính này đến Việt Nam tư vấn tuyển sinh, và nhiều trường ĐH trong tốp hàng đầu thế giới ở Malaysia, Hàn Quốc… cũng lần đầu đến Việt Nam tư vấn. ĐH Quản lý Singapore hồi tháng 4 cũng chính thức mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và là trường ĐH đầu tiên tại Singapore thực hiện điều này.
Về mặt chính sách, một số quốc gia du học cũng đưa ra các quy định cởi mở hơn. Chẳng hạn, Mỹ và New Zealand đang đẩy nhanh hơn nữa thời gian xử lý đơn xin visa (thị thực) du học cho người Việt. Nhiều khu vực tại Hàn Quốc thì xây dựng các đơn vị đặc thù để hỗ trợ du học sinh sinh sống ở địa phương, trong đó Trung tâm hỗ trợ sinh viên quốc tế Busan (BISSC) là mô hình tiên phong đang được nhiều nơi khác học hỏi.
Trong khi đó, Hồng Kông mới đây cho phép du học sinh tự do làm thêm, thay vì bị giới hạn 20 giờ mỗi tuần chỉ trong khuôn viên trường hay phải thực tập liên quan đến chuyên ngành trong năm học và vào kỳ nghỉ hè như trước. Singapore hồi tháng 8 cũng nới lỏng quy định định cư, cho phép người có thẻ sinh viên xin thường trú nhân tại quốc đảo này nếu đậu ít nhất một kỳ thi quốc gia hay nếu đang tham gia một chương trình tích hợp.
Nhiều nước tăng mạnh học bổng du học
Không chỉ “nới cửa” tuyển sinh, chính phủ và trường học ở nhiều nước cũng tăng mạnh học bổng du học cấp cho học sinh và sinh viên Việt Nam. Như ở New Zealand, chính phủ nước này hồi tháng 11 công bố trao học bổng chính phủ bậc ĐH cho người Việt (NZUA) với tổng giá trị hơn 3,1 tỉ đồng, trở thành nước tiếng Anh đầu tiên có đủ học bổng chính phủ từ trung học tới sau ĐH tại Việt Nam.
Chung động thái, chương trình học bổng GREAT do chính phủ Anh phối hợp thực hiện với Hội đồng Anh mới đây đã mở đơn đăng ký trở lại, tăng thêm 3 suất cho người Việt với giá trị mỗi suất tối thiểu là 10.000 bảng Anh (320 triệu đồng). Chương trình này các năm gần đây cũng liên tục tăng suất học bổng cho sinh viên Việt Nam, hiện số lượng đã gấp 3 lần so với năm đầu triển khai.
Nhiều trường ĐH và CĐ tại các nước đông du học sinh Việt như Mỹ, Canada cũng đang tăng số lượng lẫn giá trị học bổng cho người Việt, theo chuyên gia. Bên cạnh đó, những điểm đến châu Á như Hồng Kông, Macau, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc và các nước châu Âu như Ý, Pháp, Đức cũng có nhiều suất học bổng từ chính phủ hay các trường ĐH, với giá trị lên đến toàn phần.
Một số điểm đến siết quy định du học
Bên cạnh những tín hiệu chào đón du học sinh, không ít quốc gia cũng đưa ra nhiều quy định thắt chặt, thậm chí hạn chế sinh viên quốc tế đến học nhằm giảm lượng người nhập cư. Sớm nhất trong số đó là Anh, khi nước này đầu năm nay cấm sinh viên quốc tế mang theo thân nhân, trừ những ai học các khóa nghiên cứu sau ĐH hay do chính phủ tài trợ, cùng nhiều quy định khác với mục tiêu cắt giảm 300.000 người nhập cư ròng mỗi năm.
Chung mục tiêu, Canada năm qua liên tục ban hành nhiều quy định thắt chặt, từ hạn chế cấp giấy phép du học, tăng chuẩn ngoại ngữ và các yêu cầu khác với giấy phép làm việc sau tốt nghiệp, đồng thời ngưng cho phép người Việt du học diện miễn chứng minh tài chính. Mặt khác, quốc gia này mới đây đã cho phép du học sinh làm thêm nhiều hơn, lên tối đa 24 giờ/tuần thay vì chỉ 20 giờ như trước.
Hà Lan gần đây ban hành dự luật Cân bằng quốc tế hóa với mục tiêu giảm chương trình đào tạo dạy bằng tiếng Anh và tăng học phí với du học sinh. Trong khi đó, sau thời gian dài chờ đợi, Úc chính thức không thông qua dự luật áp trần tuyển sinh và thay đổi chính sách cấp visa du học. Song, điều này khiến không ít cơ sở giáo dục và công ty du học e ngại vì sợ chính quyền đương nhiệm sẽ dùng chính sách mới để giới hạn tuyển sinh.
Tại Trung Quốc, từ năm 2024, chính phủ nước này yêu cầu tất cả du học sinh muốn xin học bổng chính phủ hay xin học vào một trong 142 trường thuộc dự án “Song nhất lưu” phải thi tuyển sinh ĐH với hình thức trực tuyến tại nhà hoặc trực tiếp tại trường ở Trung Quốc và quy định này chỉ áp dụng với hệ cử nhân. Tùy vào chuyên ngành ứng tuyển và ngôn ngữ đào tạo, thí sinh sẽ được chia vào phân ban với số môn thi tương ứng.
Những thay đổi chính sách nêu trên trong năm qua đã ảnh hưởng ít nhiều đến danh tiếng của các điểm đến du học phổ biến, theo các báo cáo được thực hiện trong năm qua. Đơn cử, khảo sát từ 1.082 công ty du học từ 68 quốc gia, vùng lãnh thổ do tập đoàn giáo dục Navitas thực hiện mới đây cho thấy du học sinh trên toàn cầu đang ít yêu thích Úc, Anh và Canada hơn trước.
Tham khảo thêm các thông tin về di trú và du học tại: https://ditruglobal.com/