Sau khi du học, tôi làm việc cho một công ty nước ngoài cho chi nhánh ở Việt Nam, vốn trên 700 triệu USD (công ty mẹ ở nước ngoài có quy mô lớn hơn rất nhiều). CEO công ty của tôi cũng là người Việt. Trước đây, người này chỉ học đại học ở Việt Nam mà thôi. Sau khi ra trường, anh xin vào làm một nhân viên quèn trong một công ty nhỏ. Sau này, anh dần thăng tiến lên cấp quản lý.
Mãi đến khi có tuổi rồi, anh ấy mới quyết định đi học thêm bằng Thạc sĩ 2, 3, và các loại bằng cấp khác ở nước ngoài, theo kiểu vừa học, vừa làm. Với những người giỏi, có tư duy tốt, thì việc học với họ chỉ là công cụ. Họ xem cái nào cần thiết cho công việc của mình thì mới bỏ tiền bạc, thời gian ra đầu tư học hành. Tất nhiên, khi đó, họ đã khá chín chắn, nhiều kinh nghiệm để biết cái gì thực sự cần cho mình.
Còn với những bạn du học sinh mới 18-20 tuổi, có một điểm chung là các bạn chưa thực sự có nhiều trải nghiệm làm việc thực tế ở một công ty nào cả. Kinh nghiệm quản lý người, quản lý công việc, quản lý tiền bạc của người khác, ra quyết định từ vi mô đến vĩ mô… lại càng gần như bằng không. Vậy mà các bạn dám bỏ ra vài tỷ đồng để đầu tư đi du học (mông lung trong định hướng), phải chăng là quyết định quá liều lĩnh và nhiều rủi ro?
>> Chi bạc tỷ du học, về nhận lương ba cọc
Nhiều bạn sau khi du học ở trời Tây cuối cùng cũng về nước xin việc và phải bắt đầu từ vị trí nhân viên cấp thấp, giống như vị CEO nọ với tấm bằng cử nhân trong nước mà tôi có đề cập tới ở trên. Rồi cả nghìn nhân viên cấp thấp mới có một người đủ tài giỏi và may mắn leo lên được vị trí quản lý. Vậy, có phải số vốn mấy tỷ đồng bỏ ra để đi du học kia có xác suất thành công thấp hơn hẳn một người đã kinh qua sự đời và biết cái mình cần học bổ sung thêm là gì rồi mới đầu tư có định hướng?”.
Đó là quan điểm của độc giả Tintin về câu chuyện “Chi bạc tỷ du học, về nhận lương ba cọc”. Việt Nam có hơn 132.000 du học sinh năm học 2021-2022. Chúng ta cũng nằm trong 10 thị trường hàng đầu thế giới về sự dịch chuyển của sinh viên ra nước ngoài. Người Việt trong top 5 về số sinh viên quốc tế ở Mỹ, top 2 ở Nhật, top 6 ở Australia, số 1 ở Đài Loan. Giáo dục là mối quan tâm hàng đầu của các hộ gia đình Việt khi mức chi tiêu cho giáo dục của mỗi gia đình chiếm 47% tổng chi tiêu.