Du học Úc dự kiến tuyển 270.000 sinh viên cho năm học 2025

Chính phủ Úc đang nhận nhiều chỉ trích từ các trường Đại học vì cắt giảm số lượng sinh viên quốc tế du học Úc trong năm 2025. Cụ thể Chính phủ Úc dự kiến chỉ tuyển 270.000 du học sinh mới cho năm học 2025.

 

Học sinh Việt Nam nghe tư vấn du học Úc từ chuyên viên trường ĐH Úc hồi đầu tháng 8
Học sinh Việt Nam nghe tư vấn du học Úc từ chuyên viên trường ĐH Úc hồi đầu tháng 8

Đưa số lượng học sinh du học Úc về mức trước đại dịch

Nối tiếp động thái hồi tháng 5 khi thông báo sẽ giới hạn số sinh viên quốc tế được tuyển mới, chính phủ Úc hôm nay (27.8) chính thức “chốt” con số cuối cùng sau một số đồn đoán rằng các trường chỉ được tuyển tối đa 40% sinh viên là người nước ngoài. Điều này lập tức gây xôn xao cho các bên, đồng thời nhận về nhiều chỉ trích từ một số hiệp hội các trường ĐH Úc.

Cụ thể, chính phủ liên bang Úc muốn giới hạn số lượng sinh viên quốc tế ở mức 270.000 người vào năm 2025, trong đó các ĐH công lập được phép tuyển mới 145.000 sinh viên quốc tế. Con số này ở các trường nghề (VET) và ở những cơ sở đào tạo khác lần lượt là 95.000 và 30.000 du học sinh. “Điều này giúp số lượng sinh viên quốc tế mới nhập học, dù là học ĐH hay học nghề, đều sẽ quay về mức trước đại dịch”, thông cáo nêu.

Riêng ở bậc ĐH, cũng là bậc học có đông du học sinh Việt nhất theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ Úc, mỗi trường sẽ được chính phủ nước này giao một chỉ tiêu riêng. Trong quá trình xây dựng chỉ tiêu này, nhiều yếu tố đã được chính phủ Úc xem xét, bao gồm số du học sinh mới nhập học và tỷ lệ du học sinh so với tổng số sinh viên đang học tại trường. Từ 2026, nước này cũng khuyến khích trường ĐH cung cấp thêm chỗ ở mới cho sinh viên.

Ông Jason Clare, Bộ trưởng Giáo dục Úc, sáng nay chia sẻ với truyền thông địa phương rằng hiện số sinh viên quốc tế học tại các trường nghề tư thục tăng khoảng 50% so với trước đại dịch, trong khi con số này ở các trường ĐH chỉ tăng 10%. Theo kế hoạch mới, số du học sinh tại các trường ĐH sẽ tăng thêm 15% so với trước đại dịch và con số này tại các trường nghề tư thục sẽ giảm khoảng 20%.

Thông cáo lưu ý, việc giới hạn tuyển sinh loại trừ một số đối tượng: học sinh phổ thông; học viên khóa thạc sĩ nghiên cứu, tiến sĩ, khóa tiếng Anh, chương trình không cấp bằng, chương trình giáo dục xuyên quốc gia hoặc liên kết đào tạo với trường Úc; được chính phủ Úc tài trợ hoặc nhận học bổng chính phủ; đối tác nước ngoài quan trọng; sinh viên đến từ Thái Bình Dương và Đông Timor.

Sinh viên quốc tế du học Úc tại MONASH UNIVERSITY
Sinh viên quốc tế du học Úc tại MONASH UNIVERSITY

Ngoài ra, chính phủ Úc cũng thông báo sẽ bãi bỏ Chỉ thị 107, là quy định ưu tiên xử lý đơn xin visa (thị thực) du học Úc dựa vào mức độ uy tín của cơ sở giáo dục mà du học sinh ghi danh. Lý do chính là vì một số trường ĐH bị ảnh hưởng nặng nề kể từ khi áp dụng chỉ thị này, như gặp tình trạng bị xử lý visa du học chậm hơn và tỷ lệ từ chối tăng cao, trong khi số khác lại được hưởng lợi.

Các trường ĐH “kiên quyết phản đối”

Theo các trường ĐH, chính sách giới hạn tuyển sinh có thể dẫn đến tình trạng mất việc làm và ảnh hưởng đến doanh thu, nhất là khi ngành giáo dục quốc tế đang đóng góp gần 50 tỉ AUD cho nền kinh tế và hỗ trợ khoảng 250.000 việc làm, là ngành xuất khẩu lớn thứ 2 của Úc chỉ sau khai thác mỏ. Động thái này được cho là sẽ “kìm hãm ngành xuất khẩu lớn hàng đầu của Úc”.

“Sinh viên quốc tế đóng góp hơn một nửa vào tăng trưởng GDP của Úc trong 2023, gần như một mình cứu cả quốc gia khỏi suy thoái”, giáo sư David Lloyd, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH Úc (Universities Australia), cho hay. “Chúng tôi biết chính phủ có quyền kiểm soát số người nhập cư, nhưng chúng ta không nên làm điều này bằng cách gây ảnh hưởng tiêu cực đến bất kỳ lĩnh vực nào”.

Theo ông Lloyd, học phí từ du học sinh không chỉ đóng góp quan trọng vào nền kinh tế mà còn giúp các trường ĐH duy trì hoạt động, bù đắp phần thiếu hụt ngân sách. Mỗi đồng học phí từ sinh viên nước ngoài đều được đầu tư trở lại vào các trường ĐH Úc và việc giảm số sinh viên quốc tế sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt ngân sách, trong khi các trường ĐH rất cần sự hỗ trợ.

Bà Vicki Thomson, Giám đốc điều hành Group of Eight – nhóm 8 trường ĐH hàng đầu Úc, tuyên bố trong một thông cáo rằng đơn vị này “kiên quyết phản đối” việc giới hạn số du học sinh từ chính phủ liên bang vì những tổn hại mà nó sẽ gây ra cho ngành giáo dục quốc tế nói riêng và Úc nói chung. “Con số 270.000 người hoàn toàn không có căn cứ và mang lại sự bất an”, bà Thomson nhận định.

Bà Thomson cũng đánh giá việc ra chính sách giới hạn là động thái “trừng phạt các ĐH tinh hoa”, dù nhóm này đóng vai trò quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo và củng cố danh tiếng ngành giáo dục quốc tế của Úc. Vì thế, Group of Eight khuyến nghị Thượng viện đừng để chính phủ Úc gây áp lực phải thông qua chính sách này. Họ cũng muốn Thượng viện thay đổi một dự luật để bảo vệ các trường.

Hướng dẫn quy trình xin Visa du học Úc 2024 đơn giản nhất

Chính sách giới hạn tuyển sinh chỉ là một trong những động thái nổi bật từ thị trường du học Úc trong những tháng qua. Trước đó, Úc đã tăng yêu cầu về tiếng Anh, tăng mức chứng minh tài chính và tăng lệ phí khi xin visa du học Úc. Chính phủ nước này đồng thời hạn chế tình trạng “nhảy” visa, điều chỉnh độ tuổi tối đa được xin visa làm việc sau tốt nghiệp và giảm thời gian ở lại làm việc khi du học Úc.

Theo thống kê từ Bộ Giáo dục Úc, đến tháng 5.2024, có 704.931 sinh viên quốc tế theo học các khóa ở Úc. Trong đó, Việt Nam có 33.765 người, xếp thứ 5. Tại các trường hàng đầu, số lượng sinh viên và nghiên cứu sinh người Việt chiếm tỷ lệ đáng kể, khoảng 600 người ở ĐH Melbourne, 400 người ở ĐH Adelaide, hay nằm trong top 10 về số du học sinh ở ĐH Queensland…