Vì sao sinh viên chọn TOEIC để thi đầu ra đại học?

IELTS hay TOEIC đều là thước đo để đánh giá năng lực tiếng Anh. TOEIC là chứng chỉ tiếng Anh phổ biến tại hơn 150 quốc gia và được các công ty lớn nhất thế giới tin dùng để tuyển dụng nhân sự. Vậy vì sao sinh viên chọn TOEIC để thi đầu ra đại học?

Sinh viên chọn TOEIC thay cho các chứng chỉ khác

Tại Hội nghị “Visionary Leaders Summit: Future Forward with English Proficiency – Hội nghị các nhà lãnh đạo tiên phong: Bứt phá tương lai với Năng lực tiếng Anh” diễn ra vào ngày 8.9. Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã có những chia sẻ về chương trình tiêu chuẩn, giảng dạy bằng tiếng Việt của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.

Theo đó, yêu cầu chuẩn đầu ra tiếng Anh của sinh viên như sau: TOEIC 550 hoặc TOEFL iBT 55, hoặc IELTS 5.0, hoặc PTE 40. Sinh viên trước khi tốt nghiệp có thể nộp một trong các chứng chỉ trên để làm điều kiện ra trường.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Huỳnh Trang – Phó viện trưởng Viện ngôn ngữ – Quốc tế học, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM – cho biết, hầu hết sinh viên của trường chọn nộp kết quả thi TOEIC.

Yêu cầu chuẩn đầu ra ngoại ngữ theo các chương trình giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM
Yêu cầu chuẩn đầu ra ngoại ngữ theo các chương trình giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

“Nhiều công ty, doanh nghiệp yêu cầu điểm TOEIC cho các vị trí việc làm, đặc biệt ở lĩnh vực kinh doanh thương mại. Rất nhiều sinh viên của chúng tôi học ngành này. Do đó bài thi này phù hợp với yêu cầu từ nhà tuyển dụng tiềm năng của các em”, PGS.TS Nguyễn Huỳnh Trang lý giải.

Cũng tại hội nghị này, PGS.TS Nguyễn Huỳnh Trang đưa ra dự đoán: Trong tương lai, các trường đại học tại Việt Nam đều sẽ tiếp cận bài thi TOEIC 4 kỹ năng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Huỳnh Trang - Phó viện trưởng Viện ngôn ngữ - Quốc tế học, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ tại hội nghị
PGS.TS Nguyễn Huỳnh Trang – Phó viện trưởng Viện ngôn ngữ – Quốc tế học, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ tại hội nghị

Từ năm 2021, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã thí điểm đổi mới toàn diện đào tạo tiếng Anh cho sinh viên theo định hướng chuẩn TOEIC quốc tế.

TS Ngô Phương Anh – Giám đốc Trung tâm ngôn ngữ và hỗ trợ trao đổi học thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội – cho biết, mục tiêu của Đại học Bách Khoa Hà Nội là 85% sinh viên tốt nghiệp đạt tối thiểu TOEIC 500.

Với riêng sinh viên các chương trình tiên tiến, tài năng, hợp tác quốc tế, mục tiêu có 80% sinh viên đạt tối thiểu TOEIC 600. Đây cũng là những mức điểm tương ứng với yêu cầu tuyển dụng cho các vị trí việc làm thiết yếu trong các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.

Theo thống kê, hiện có hơn 500 doanh nghiệp dùng TOEIC làm bộ tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ trong tuyển dụng nhân sự.

Chi phí thi TOEIC phù hợp với “túi tiền” của đại đa số người học

Lý giải về tính phổ biến ngày càng cao của chứng chỉ tiếng Anh TOEIC, ông Đoàn Hồng Nam – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục IIG Việt Nam, đơn vị tổ chức khảo thí, đào tạo và kiểm định chất lượng bài thi TOEIC – nhấn mạnh vào hai yếu tố: tính ứng dụng cao và chi phí hợp lý, dễ tiếp cận.

“Điều mà doanh nghiệp cần ở người lao động của mình không phải là một tấm bằng hay chứng chỉ tiếng Anh mà là khả năng sử dụng tiếng Anh trong môi trường làm việc. TOEIC đáp ứng được điều đó khi đánh giá ngôn ngữ giao tiếp và làm việc quốc tế một cách chính xác, chuẩn mực.

Đáng nói, chi phí thi TOEIC rất hợp lý với hầu hết người học vì thời gian thi linh hoạt, do đó dễ tiếp cận với hầu hết mọi đối tượng sinh viên và người lao động”, ông Đoàn Hồng Nam nói.

Đối với trường đại học, TOEIC cũng là công cụ hiệu quả để đánh giá năng lực tiếng Anh.

Ông Đoàn Hồng Nam - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục IIG Việt Nam chia sẻ tại hội nghị
Ông Đoàn Hồng Nam – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục IIG Việt Nam chia sẻ tại hội nghị

Ông Jonathan Schmidgall – Chuyên gia nghiên cứu cao cấp Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) – phân tích thêm: “Bài thi TOEIC được doanh nghiệp ưa chuộng bởi nó đánh giá chính xác khả năng sử dụng tiếng Anh trong thực tế cuộc sống hằng ngày và trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu.

Bên cạnh đó, bài thi TOEIC có độ tin cậy cao với các bằng chứng rõ ràng về tính hợp lệ và công bằng trong việc diễn giải điểm số”.

Ông Jonathan Schmidgall - Chuyên gia nghiên cứu cao cấp Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS)
Ông Jonathan Schmidgall – Chuyên gia nghiên cứu cao cấp Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS)

Ông Đinh Quốc Long – Phó giám đốc Nhân sự, Hãng hàng không Vietjet Air – chia sẻ, hãng bay này sử dụng kết quả bài thi TOEIC như một tiêu chí quan trọng trong tuyển dụng, đánh giá, thăng cấp nhân sự.

“Với tiếp viên nữ, chúng tôi yêu cầu chiều cao từ 1m58 trở lên. Nhưng ứng viên nào có điểm TOEIC cao thì có thể hạ tiêu chí chiều cao xuống, ví dụ như 1m56 cũng có thể được xem xét. Chúng tôi có 4 cấp độ khác nhau cho tiếp viên. Mỗi cấp độ đi kèm lương thưởng khác nhau… Điểm TOEIC là một căn cứ để chúng tôi xem xét đề bạt nhân sự”, ông Đinh Quốc Long cho hay.

Thông tin từ đại diện Tập đoàn IIBC, đơn vị triển khai bài thi TOEIC tại thị trường Nhật Bản, quốc gia này có khoảng 4.000 công ty sử dụng bài thi TOEIC trong quản trị nhân sự.

Uniqlo tự trả tiền cho nhân viên thi TOEIC 4 năm 1 lần. Honda triển khai bài thi TOEIC cho nhân viên 5 lần 1 năm. Công ty mỹ phẩm Shiseido yêu cầu nhân viên đạt 750 điểm TOEIC mới có thể được đề bạt vào vị trí quản lý.

Hiện TOEIC đã được hơn 160 quốc gia sử dụng như một công cụ tin cậy nhằm đánh giá các kỹ năng cần thiết của lực lượng lao động.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 55 trường đại học đang triển khai giải pháp TOEIC trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ của sinh viên đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và ứng dụng trong thực tiễn công việc tại doanh nghiệp.

Trên 30 trường đại học dùng TOEIC áp chuẩn đầu vào với sinh viên và trên 95 trường dùng TOEIC áp chuẩn đầu ra.

TOEIC cũng là một trong các giải pháp được nhiều cơ sở giáo dục – đào tạo sử dụng với mục tiêu từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.